back to top

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Lịch sử và ý nghĩa không phải ai cũng biết

Hầu hết mọi người đều đã biết ngày 8/3 hàng năm chính là ngày Quốc tế Phụ nữ. Thế nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc lịch sử của ngày này như thế nào? Tại sao ngày 8/3 lại được chọn làm ngày Quốc tế Phụ nữ và ý nghĩa của ngày này là gì? Đó cũng là lý do chúng tôi muốn chia sẻ cho bạn bài viết này!

Tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

1. Lịch sử, ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ 8 3

1.1. Lịch sử

Mặc dù ngày 8/3 đã không còn xa lạ gì với nhiều người nhưng số lượng người biết lịch sử ngày này lại không nhiều. Cụ thể, vào cuối thế kỷ XIX, tại Mỹ, chế độ chủ nghĩa tư bản cực kỳ thịnh vượng và phát triển. Tại đây, ngành kỹ nghệ thu hút được không ít nhân công là phụ nữ và trẻ em tham gia lao động. Tuy nhiên, mức lương khi làm việc tại nhà máy, xí nghiệp mà phụ nữ, trẻ em nhận được lại rất rẻ mạt. Cũng chính vì vậy đã khiến cho họ cảm thấy vô cùng bất công và căm phẫn. 

Vào ngày 8/3/1899, các nữ công nhân Mỹ đã vùng dậy đấu tranh với mục đích bắt bọn chủ tư bản phải tăng lương và giảm giờ làm. Nơi đầu tiên xuất hiện phong trào đấu tranh này là từ các công nhân ngành dệt, ngành may tại Chicago và Nữu Ước. 

Các nữ công nhân xuống đường đấu tranh đòi quyền lợi

Khi đó, các phong trào đấu tranh bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp dã man. Nhưng không vì thế mà khiến các chị em sợ hãi. Thậm chí, họ còn liên kết chặt chẽ để cùng nhau đấu tranh, bắt bọn chủ tư bản phải nhượng bộ. 

Sau khi cuộc đấu tranh của các nữ công nhân Mỹ xuất hiện đã tạo động lực cổ vũ cho phong trào đấu tranh của nữ lao động trên phạm vi toàn thế giới. Trong đó nổi bật nhất phải kể tới tại nước Đức. Và trong phong trào đấu tranh của các nữ công nhân xuất hiện 2 nữ chiến sĩ vô cùng tài năng và lỗi lạc, đó là bà Cla-ra-zét-kin (người Đức) cùng bà Lô-ra Lúc-xăm-bua (người Ba Lan).

Năm 1907, hai bà đã phối hợp cùng với Crup-xcai-a để vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Trong đó, bà Cla-ra-zét-kin được tin tưởng giao giữ chức Bí thư.

Bà Cla-ra-zét-kin có đóng góp to lớn trong phong trào đấu tranh của nữ lao động

Tới năm 1910, tại Cô-pen-ha-gen (thủ đô Đan Mạch) đã diễn ra Đại hội Phụ nữ Quốc tế XHCN. Kết quả Đại hội đã quyết định lấy ngày 8/3 là ngày “Quốc tế Phụ nữ”. Đây cũng chính là ngày kỷ niệm đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu:

  • Ngày làm 8 giờ
  • Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau
  • Bảo vệ bà mẹ và trẻ em

Cho tới ngày nay, 8/3 vẫn được chọn là ngày đấu tranh chung của nữ lao động trên toàn thế giới.

2. Ý nghĩa

Ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ 8 3 vô cùng thiêng liêng. Mỗi năm có tới 365 ngày, trong đó, ngày 8/3 được chọn làm ngày để tôn vinh phụ nữ trên toàn thế giới. Đồng thời, đây cũng là ngày để xã hội bù đắp cho người phụ nữ những thiệt thòi, vất vả mà họ phải chịu đựng.

Những người phụ nữ tưởng như yếu mềm nhưng họ lại giữ vai trò và trách nhiệm vô cùng to lớn trong xã hội. Không chỉ nội trợ, chăm lo cho gia đình mà phụ nữ còn tham gia lao động xã hội, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời, họ còn gánh vác sứ mệnh sinh con dưỡng cái. 

Tại nhiều quốc gia đã coi ngày 8/3 là ngày lễ chính trong năm. Thậm chí, họ còn tổ chức rất lớn để thể hiện sự trân trọng đối với phụ nữ. Các hoạt động liên hoan, diễu hành,… cũng xuất hiện ở một số đất nước từ Á sang Âu. 

2. Ngày quốc tế phụ nữ ở Việt Nam

Riêng tại Việt Nam, ngày 8/3 cũng là một ngày lễ rất quan trọng. Không chỉ để tôn vinh những người phụ nữ mà còn là kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng – hai nữ anh hùng của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc xâm lăng ở phương Bắc. Đây chính là 2 người phụ nữ tiêu biểu cho sự kiên trung, bất khuất, dũng cảm và yêu nước của Việt Nam. Vì thế, cứ tới ngày 8/3, các cơ quan, đoàn thể, gia đình lại tặng hoa, tặng quà cùng những lời chúc tốt đẹp tới các chị em phụ nữ.

8/3 tại Việt Nam còn là ngày kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Vào ngày 8/3/1965, Đảng, chính phủ và Bác Hồ đã trao tặng phụ nữ miền Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Huân chương “Thành đồng” hạng nhất vì những đóng góp cùng cống hiến to lớn của phụ nữ miền Nam. 

Bên cạnh đó, vào ngày 4/10/1997, chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó có 11 mục tiêu được ban hành vì sự tiến bộ của phụ nữ tới năm 2000 dựa trên “Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình” của hội nghị Bắc Kinh.

Theo thống kê, hiện nay nước ta phụ nữ chiếm tới 51% lực lượng lao động quốc gia. Điều này đã cho thấy rõ vai trò của người phụ nữ Việt lớn như thế nào. Họ không chỉ giúp chồng nuôi dạy con cái, chăm sóc cho gia đình mà còn tham gia tích cực vào hoạt động lao động sản xuất. 

Bên cạnh đó, trong cơ quan chính phủ, có tới 27.3% đại biểu Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất là phụ nữ. Liên Hiệp Quốc đã đánh giá về phụ nữ Việt rất tích cực. Cụ thể: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Mặt khác, tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp các bậc Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ta cũng rất cao với tỷ lệ lần lượt là 36.24%, 33.95% và 25.96%.

Với những chia sẻ trên chắc hẳn bạn đã hiểu rõ lịch sử và ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ rồi. Không chỉ các nước phương Tây mà nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam cũng rất coi trọng ngày 8/3. Đây chính là một dịp để xã hội tôn vinh và bù đắp cho những vất vả, gian lao, thậm chí là hy sinh của người phụ nữ khi họ không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn tích cực đóng góp vào sự phát triển của xã hội, thế giới. Xem thêm: https://iicwc.org/

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here